Phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Bài làm
Tô Hoài là một trong những cây bút nổi tiếng của văn đàn Việt Nam hiện đại, ông sinh năm 1920, sinh ra trong một gia đình thợ thủ công. Ông có tuổi thơ và thời trai trẻ phải lăn lộn kiểm sống bằng nhiều nghề, có khi thất nghiệp. Tuy nhiên, sau cùng ông vẫn trở thành một nhà văn chắc tay của nền văn chương nước ta.
Tô Hoài sáng tác rất nhiều, ông được liệt kê là một trong những nhà văn có số lượng tác phẩm đạt kỉ lục trong nền văn học văn học hiện đại bằng con đường tự học. Ông là nhà văn viết theo xu hướng hiện thực, thiên về diễn tả sự thật của đời thường. Ông quan niệm “viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tầm thường cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc”.
Ông có sở trường về phân tích khắc họa tâm lí nhân vật. Ông viết rất nhiều những câu chuyện về đề tài miền núi, ông có vốn hiểu biết phong phú và sâu sắc những nét lạ trong phong tục, tập quán ở nhiều vùng khác nhau của đất nước.
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ là một truyện ngắn được in trong tập truyện ngắn Tây Bắc, được ông sáng tác năm 1952 trong chuyến đi thực tế cùng bộ đội vào giả phóng đồng bào miền núi, sống gần gũi với nhân dân Tây Bắc, Tô Hoài cảm nhận được nỗi thống khổ của họ và cũng phát hiện ra bản chất đấu tranh cách mạng trong họ. Nhân vật chính trong câu chuyện là Mị và A Phủ.
A Phủ là một nhân vật đặc biệt. Từ một con người ở thế bần cùng nhất của xã hội, không thể làm chủ chính cuộc đời mình. Anh đã đứng lên đấu tranh giành lấy những tự do, sống cuộc đời có cách mạng, cuộc sống trở nên có nhiều ý nghĩa hơn.
A Phủ vốn có hoàn cảnh sống nhiều ngang trái. Tuổi thơ mồ côi cả cha lẫn mẹ, tất cả người thân đều bị chết trong một trận dịch. A Phủ sống sót không phải ngẫu nhiên mà chú là một mầm sống khỏe mạnh đã vượt qua được sự sàng lọc nghiệt ngã của tự nhiên. A Phủ thích tự do, ngang bướng từ nhỏ. Khi bị bán xuống vùng núi thấp, A Phủ trốn lên vùng núi cao và lưu lạc đến Hồng Ngài. A Phủ khỏe mạnh, giỏi giang: Biết đúc lưỡi cuốc lưỡi cày, bẫy chim, săn bò tót… nhiều cô gái mê A Phủ…những cũng vì hoàn cảnh và thân phận như vậy mà A Phủ rất khó lấy vợ. Tuy nhiên, không bao giờ biết đến sự chán nản, A Phủ vẫn luôn vô tư sống, hàng đêm A Phủ vẫn cùng trai làng đi tìm người yêu. Qua chi tiết này có thể thấy được A Phủ là một con người có lòng khao khát về hạnh phúc, có tình yêu cuộc sống rất mãnh liệt.
Cuộc đời A Phủ bươc sang một trang mới sau trận ẩu đả với A Sử – con trai thống lý Pá Tra giàu có và quyền lực nhất vùng này. A Phủ và những người bạn của mình đang vui trong cuộc chơi nhưng lại bị A Sử phá đám, A Phủ thấy việc ngang tai trái mắt là thấy bất bình, cho dù con quan nhưng vẫn không sợ. A Phủ: “chạy vụt ra, ném, lăng, xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp…”. A Phủ thể hiện khí phách nam nhi rất rõ ràng.
Tuy nhiên, cũng vì nguyên nhân này mà A Phủ bị gia đình nhà A Sử thù, bị bắt về trả thù. Cảnh chịu tội có sức mạnh tố cao thế lực quan lại xã hội phong kiến miền núi vô cùng ghê gớm. Không cần biết A Phủ công tội như thế nào, cứ dám động đến A Sử – con quan là A Phủ sai, phải bị đánh, bị phạt vạ. Và vì không có tiền nên A Phủ phải chịu phán quyết rằng phải ở đợ nhà thống lý Pá Tra để làm của đổi tiền đền. Qua đây ta thấy tội ác dã man, thủ đoạn thâm độc của bọ Thống Lí, bắt người về làm công trừ nợ một cách vô lí.
Cuộc sống của A Phủ hoàn toàn đổi khác khi bước chân về nhà thống lý Pá Tra. Cuộc sống của một con nợ ở đợ khổ sở vô cùng, phải làm lụng quanh năm suốt tháng chăn bò, bẫy nhím, bẫy hổ… có khi ở trên nương cả tháng không về, bị bóc lột sức lao động đến tận xương tủy, bị chà đạp quyền sống. Một lần mải bẫy nhím để hổ ăn mất một con bò, A Phủ lập tức bị trói đứng nhưng những điều diễn ra lại khiến người ta đau đớn vô cùng, a Phủ phải tự nguyện bê thúng sộ dây đay, tự đóng cọc xuống đất: thản nhiên lạnh lùng không sợ chết…Bọn Thống lí biến một con người tự do phóng khoáng là thế trở thành một con người nô lệ cam chịu. A Phủ gan góc không sợ cái chết, không sợ cường quyền nhưng trong cái khổ và cái đè nén lâu A Phủ cũng bi lụy đi nhiều. Tình cảnh khi A Phủ bị trói đứng trông rất đáng thương, gần cận kề cái chết hàng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đên lại. Trong A Phủ vẫn tồn tại khát khao được sống một cách vô cùng mãnh liệt.
Nhân vật A Phủ được khắc họa rất thành công. Sở trường quan sát nhạy bén và khả năng thiên phú trong việc nắm bắt cá tính con người là hai yếu tố đã giúp nhà văn chỉ mấy nét đơn sơ mà tạo dựng được một hình tượng đặc sắc. Xây dựng A Phủ Tô Hoài không chỉ thể hiện cái nhìn từ bên trong mà còn thể hiện cái nhìn từ bên ngoài để thấy tính cách mạnh mẽ pha chút ngang tàng ở nhân vật A Phủ
Tác phẩm Vợ chồng A Phủ phản ánh chân thực cuộc sống khổ cực, tủi nhục của những người nông dân miền núi phía Bắc dưới chế độ phong kiến cũ. Phát hiện sức sống tiềm tàng và tinh thần đấu tranh tự giải thoát của người nông dân miền núi Tây Bắc đồng thời có sức tố cáo chế độ phong kiến miển núi một cách vô cùng mạnh mẽ và đanh thép. Qua việc xây dựng nhân vật A Phủ có thể thấy được rằng bút lực tâm lý của Tô Hoài là vô cùng sắc sảo, đi sâu miêu tả và thể hiện được nội tâm nhân vật, hiểu nhân vật, yêu thương và đồng cảm với họ. Tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo vô cùng sâu sắc.
Minh Anh