Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao
Bài làm
Chí Phèo được biết đến là một trong những tác phẩm đình đám bậc nhất trong những tác phẩm văn chương của Nam Cao. Câu chuyện về anh Chí, chị Nở không chỉ gây ấn tượng trong làng văn mà trong đời sống hiện thực cũng được mang ra bình phẩm, nhìn nhận. Câu chuyện viết bao quanh phạm vi của một làng Vũ Đại nhưng cũng là đại diện cho tiếng nói của mảng màu nông thôn trong xã hội đương thời. Nhân vật chính, nhân vật trung tâm và cũng là nhân vật thể hiện trong tác phẩm này là Chí Phèo.
Phải nói trước rằng, anh Chí là một con người vốn có bản tính thiên lương trong sáng. Thật vậy, cuộc đời anh nhiều bất hạnh, lắm bi ai và nhiều mảng tối, nhưng trước đây anh chẳng bao giờ có sự nản lòng, lúc nào cũng hướng về tương lai, hướng về phía trước.
Đúng với cái câu chửi đời của anh thật, anh chẳng biết đến cha sinh mẹ đẻ của mình là ai, gốc gác của mình vốn ở đâu cả. Chỉ biết rằng, đến cái độ tuổi biết nhận thức, là anh thấu được hoàn cảnh số phận của mình là bị bỏ rơi ở cái lò gạch cũ mạn cánh đồng làng Vũ Đại này. Đỏ hỏ và xanh xám, được người ta thương tình nhặt về nuôi. Tuổi thơ qua tay hết người này người nọ rồi cuối cùng lưu lạc về làm kẻ làm công cho nhà lão Bá Kiến. Lúc nào trong đầu Chí Phèo cũng tâm niệm, cũng khát khao có được hạnh phúc gia đình, cuộc sống giản đơn thôi, có được một căn nhà nhỏ, có thêm mảnh vườn nhỏ, hai vợ chồng bảo ban nhau làm ăn, cùng nhau hưởng cuộc sống giản dị nhưng ấm áp tình yêu, tình nghĩa. Nhưng thật không may cho anh Chí. Sự chăm chỉ, thật thà, chịu khó lại thêm sức sống thanh xuân khiến cho anh Chí bị lọt vào mắt xanh bà Ba Bá Kiến vốn nổi tiếng lẳng lơ. Chuyện này đến tai Bá Kiến, từ nạn nhân, Chí bị biến thành kẻ có tội. Chỉ vì ghen tuông mù quáng mà lão Bá Kiến độc ác, nhẫn tâm đẩy Chí vào tù. Nhốt Chí vào cuộc đời bi kịch, đóng sập lại cánh cửa ước mơ của anh Chí.
Đúng là hoàn cảnh tạo nên con người, sống trong cái xã hội nhà tù chỉ có sự xấu xa và nhơ bẩn, dù không muốn thì anh Chí cũng bị ảnh hưởng. Và sau 8 năm khổ luyện trong tù, anh Chí được ném lại xã hội với một diện mạo hoàn toàn mới: cái đầu trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, lại còn đủ loại xăm trổ rồng phượng trên người…Chí về với làng Vũ Đại nhưng đau đớn rằng, dân làng Vũ Đại không chấp nhận được con người này của Chí, họ xa lánh Chí mặc sức Chí muốn hòa đồng. Điều đó khiến anh Chí cảm thấy chán nản vô cùng, bắt đầu triền miên trong những cơn say, say rồi chửi, chửi trời, chửi đời, chửi cha mẹ thằng nào sinh ra hắn rồi chửi cả những kẻ không chửi nhau lại với hắn. Chí cứ trượt dài trong sự khủng hoảng và bê tha của chính bản thân mình. Đau đớn khôn cùng khi người làng Vũ Đại xa rời Chí, không cho Chí được hòa nhập, Chí tủi hờn vì muốn quay đầu nhưng không ai cho quay. Chí bị bỏ rơi ngay ở trong xã hội của mình.
Chí cứ triền miên trong những cơn say nhưng thực sự là Chí vẫn tỉnh, điều đó thể hiện được ở điều Chí thấu vô cùng nỗi đau mình nếm trải và nhận biết được nguyên nhân dẫn đến sự bi lụy này của mình. Chí đi tìm gặp lão Bá Kiến để đòi lại công bằng cho bản thân. Nhưng một điều không ngờ rằng lão Bá Kiến khôn ngoan xảo trá đã lật lại được ván cờ. Hắn một lần nữa nắm Chí trong lòng bàn tay, Chí Phèo dám rạch mặt ăn vạ đó mà cũng không cao tay bằng những thủ đoạn hèn bẩn của lão, chỉ vì mấy đồng bạc cho say để quên cái sự đời mà Chí trở thành tay sai cho lão Bá Kiến, tiếp tay cho hắn phá hoại bao hạnh phúc gia đình. Chí thật sự quá sai lầm, quá dại dột. Muốn người làng Vũ Đại coi mình là người cộng đồng nhưng lại đối xửa tệ bạc với họ, Chí Phèo sai rồi lại sai, thật sự quá khó để quay đầu lại.
Cuộc đời Chí chỉ thực sự được sang trang khi anh Chí gặp được chị Nở. Thị Nở – một con người mả hủi cũng bị người đời xa lánh, bị miêu tả là xấu đến ma chê quỷ hờn nhưng lại có một trái tim thiên lương, giàu lòng nhân ái với đồng loại. Cũng chính nhờ những tình cảm đó, cùng bát cháo hành ấm nóng tràn đầy tình thương của thị Nở đã thức tỉnh lại con người xưa cũ của Chí Phèo. Con quỷ dữ biết quay đầu. Đã từ lâu lắm rồi, Chí Phèo mới cảm nhận được tình thương đúng nghĩa, mới cảm nhận được rằng cuộc đời này cũng đáng sống vô cùng. Nghĩ về Thị, Chí nhớ lại những ước mơ bình dị ngày xưa về một gia đình nhỏ. Chí thấm thía rằng, giờ đây ước mơ ấy cũng chẳng còn xa vời nữa, Thị sẽ là người cùng Chí đi nốt quãng đường đời còn lại. Chí muốn có một cuộc sống thực sự ra sống, thực sự đáng sống. Chính thị Nở là người có công lao đánh động lại lương tri trong Chí, bát chao hành giản đơn nhưng ấm áp vô cùng, giàu tình thương yêu vô cùng. Có thể nói rằng Chí không hề xấu, bản chất của Chí là một con người tốt, Chí vấp ngã và đã ngộ nhận được sai lầm của mình, còn biết quay đầu nữa. Điều đó mới thực sự là điều đáng quý nhất.
Tuy nhiên, bất hạnh thay rằng cánh cửa tương lai của Chí vừa mới được hé mở lại bị đóng sập lại một cách đau đớn. Thị nghe lời dì mà bỏ Chí, không còn muốn bên Chí. Tất cả những mong ước, những suy nghĩ cho tương lai cũng tan tành theo mây khói. Chí đau đớn đi tìm kẻ thù rồi cuối cùng tự kết liễu đời mình trong bi kịch. Đau đớn vô cùng khi con người ta muốn có một cuộc sống thiên lương nhưng không được, muốn sống tốt mà cũng khó. Chí Phèo là một trong những nhân vật điển hình được nhà văn xây dựng rất gần gũi với biết bao lớp người trong xã hội cũ. Cuộc đời phải chịu biết bao nhiêu bất hạnh, bị vùi dập trong bóng tối, bị các thế lực cường quyền đè nén, áp bức. Muốn sống lương thiện cũng khó vô cùng.
Chí Phèo là một nhân vật vừa đáng thương nhưng cũng đáng trách. Trách anh sao lại để bản thân trượt dài trong tội ác, khiến cho ngay những người muốn quan tâm anh cũng chán nản anh. Đáng thương thay khi cả đời phải chịu nhiều bất hạnh, vùi dập. Câu chuyện về cuộc đời anh Chí Phèo có sức tố cáo xã hội phong kiến đương thời vô cùng sâu sắc.
Minh Anh