Phân tích diễn biến tâm lý, hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân
Bài làm
Nếu như trước đây cuộc sống của người dân miền núi hiện ra trong văn thơ là một không gian hoang vu, hẻo lánh, ẩn chứa những bí ẩn ghê rợn thì đến với “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã làm hiện lên nguồn sống nguyên sơ, trong trẻo của thiên nhiên, chất thơ bay bổng từ cuộc sống con người. Mị là hiện thân cho những vẻ đẹp ấy, đặc biệt là vào đêm tình mùa xuân thì sức sống và sự hồi sinh của Mị đã xuất lộ đầy sống động, khiến áng văn đi vào lòng người đầy tự nhiên.
“Vợ chồng A Phủ” nằm trong tập “Truyện Tây Bắc”, là kết quả của chuyến đi thực tế mà Tô Hoài cùng đồng đội đi giải phóng Tây Bắc. Tám tháng sống nghĩa tình với đồng bào, Tô Hoài hiểu được lối sống nghĩa tình và cả phẩm chất của người dân miền núi. Cho nên ông đã chấp bút và cho ra đời tập truyện đặc sắc, để ca ngợi thiên nhiên và con người Tây Bắc – những điều đã “để nhớ, để thương” trong Tô Hoài nhiều quá. Đặc biệt với phân đoạn trong đêm tình mùa xuân, nhà văn đã làm nổi bật sức sống và sự hồi sinh kì diệu trong con người của nhân vật Mị – một cô gái có số phận bất hạnh nhưng chưa bao giờ thôi khao khát sống.
Mị vốn là người con gái nghèo nhưng đẹp người đẹp nết. Chỉ bởi cha mẹ ăn bạc của người giàu mà Mị phải trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Làm dâu khổ quá, Mị tìm đến cái chết nhưng vì thương cha mà Mị không đành, lại trở về với cuộc sống của kiếp trâu ngựa, chấp nhận tê liệt mọi cảm giác, mất đi tinh thần và sức sống tuổi trẻ. Có lẽ Mị sẽ như vậy đến chết nếu như không có đêm tình mùa xuân. Tuy mang tiếng là dâu con trong nhà nhưng Mị chẳng khác gì con ở người làm, họ còn có thời gian nghỉ ngơi,còn đàn bà con gái ở nhà này suốt ngày làm việc quần quật không có lúc nào ngơi nghỉ: lúc tước đay, xe đay, lúc chẻ củi, đi nương bẻ bắp, thái cỏ ngựa,cõng nước… Cũng bởi lẽ đã khổ quá nhiều và cũng đã chứng kiến quá nhiều tội ác của bọn thống lí mà cô gái Mị trẻ trung ngày xưa đã mất dần đi những cảm giác, tê liệt tinh thần phản kháng và thờ ơ với tất cả vanh vật xung quanh “Ở lâu trong cái khổ, Mị khổ quen rồi”. Thế rồi sự đổi thay của Mị cũng đã đến trong đêm tình mùa xuân.
Những tác nhân của thiên nhiên vạn vật đã tác động và phần nào nhen nhóm lên sự sống tâm hồn. Mùa xuân vốn là mùa chồi non lộc biếc bung nở, mùa của trai gái mở hội lòng, có lẽ bởi vậy mà nhà văn đã mượn khoảnh khắc thanh xuân của trời đất để gợi thanh xuân của đời người? Không gian xung quanh cũng thay đổi rõ rệt: màu vàng của bí đỏ, màu vàng ửng của cỏ gianh, với âm thanh của tiếng sáo gọi bạn tình lúc thì lấp ló ngoài đầu núi, lúc văng vẳng đầu làng, lúc thiết tha bổi hổi bồi hồi, lúc lửng lơ bay… Tất cả như gợi ra một không khí vừa yên bình, vừa tươi vui, ấm áp từ bên ngoài cùng với cái ấm nồng từ bên trong tỏa ra trong hơi say của bát rượu ngô. Hóa ra cuộc sống miền núi tưởng chừng bí ẩn và hoang vu ấy lại tồn tại những thứ ánh sáng nguyên sơ và trong trẻo, ấm áp và đầy sức sống. Tất cả như làm thành một bức phông nền để nhân vật chính hiện ra.
Cùng với sự thay đổi của đất trời, Mị dần hồi sinh sức sống, một sự phục sinh đầy kì diệu từ một người vốn đã lặng thinh trước cái ác và cái xấu quá lâu. Các giác quan dường như đã thức tỉnh: mắt Mị không còn mông lung mờ mờ mà đã biết đón nhận những màu sắc, tai không còn chỉ nghe thấy tiếng ngựa đập vách mỏi mòn mà đã biết nghiêng mình lắng nghe những âm thanh vui tươi của cuộc sống. Thân xác Mị không còn héo hon mà bắt đầu rạo rực trong men say của bát rượu ngô. Tác giả đã khéo léo trong việc đặc tả những chi tiết nhỏ, làm nổi bật dụng ý nghệ thuật của mình: dường như sự phục sinh đang nhen nhóm qua từng giác quan rất nhỏ, tất cả đã bắt đầu quay về, không hề lặng thinh và héo mòn như xưa nữa. Tiếng sáo vang lên như kéo Mị trở lại những năm tháng quá khứ: “Mị nhẩm thầm bài hát của người đang thổi”, bài hát đã ngủ rất lâu trong cõi mông lung của tiềm thức. Quá khứ trở về cũng chính là lúc sức sống men theo đó mà trở lại. Mị muốn thấy chúng, muốn nhớ lại chúng nên “uống ực từng bát” rượu ngô – một hành động rất lạ đối với những người đàn bà, càng không phải là một phong tục của người dân miền núi. Phải chăng, “rượu” là hiện thân của những đắng cay hiện tại để Mị nuốt cho sâu, vùi cho chặt ở trong lòng thì quá khứ mới có đường trở lại? Mị say, lịm mặt ngồi đấy nhưng tâm hồn Mị đã sống về ngày trước, thời tuổi trẻ Mị thổi sáo, thổi lá giỏi, bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Mị nhớ những ngày hội xuân cùng chơi ném pao với khúc hát văng vẳng:
“Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…”
Bằng chữ “sống”, Tô Hoài đã để Mị sống trọn vẹn với quá khứ, cơ hồ không biết đến hiện tại đắng cay. Mị uống rượu để quên đi cuộc sống tù đọng hiện tại, để sống về quá khứ, để sức sống có cơ hội hồi sinh kì diệu.
Chính nhờ những tác nhân đời sống mà tâm hồn Mị chan chứa niềm vui với cảm giác phơi phới, hân hoan. Mị bỗng chợt hồi sinh cả về nhận thức, nhận thức về tuổi trẻ, về khát vọng, về quyền sống và tự do: “Mị còn trẻ lắm. Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng vẫn đi chơi. Huống hồ Mị với A Sử, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau…” Đến đây thì tâm hồn người con gái đã thực sự hồi tỉnh. Mị nhận thức được tuổi trẻ của mình, muốn được sống như một người tự do, được đi chơi như bao người khác, muốn thoát khỏi cái phòng tăm tối chỉ có một ô cửa sổ nhỏ lúc nào cũng trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Khát vọng tự do thôi thúc khiến Mị bắt tay vào sửa soạn đi chơi. Mị không muốn ở yên trong bóng tối nữa :”xắn ống mỡ bỏ vào đĩa đèn cho sáng”, sau đó là một loạt các hành động liên tiếp với những câu văn dài ngắn dồn dập, sự lặp lại của chủ từ kèm với một loạt các động từ đã thổi một luồng sinh khí mới vào đoạn văn. Đó phải chăng chính là hành động hối hả của một con chim khao khát muốn tháo cũi sổ lồng, muốn được bay đi đến khung trời tự do, muốn rời xa những năm dài tháng rộng làm kiếp thê nô cho nhà thống lí? Nhưng A Sử – kẻ đại diện cho tầng lớp thống trị ác độc đã kìm hãm sự tự do của Mị. Hắn trói đứng Mị vào cái cột, không cho Mị đi chơi, Mị càng vùng bước đi thì sợi dây càng thít chặt và dày xé vào thân xác Mị. Nhưng A Sử đâu có hiểu rằng sợi dây của số phận nghiệt ngã chỉ có thể trói được đôi chân nhưng không thể trói được đôi cánh tâm hồn Mị. Mị chợt nhớ về người đàn bà đồng phận, Mị sợ quá, cựa mình xem còn sống hay đã chết. Thật bất ngờ là người đàn bà ấy đã từng muốn mình chết quách đi cho thoát khỏi cuộc đời: “Nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay…” nhưng đến khi bị dồn vào cùng đường mạt lộ thì khát khao sống lại vươn lên mãnh liệt. Chi tiết đó đã khép lại trường đoạn đêm tình mùa xuân và hứa hẹn một sự phục sinh có lẽ còn mạnh mẽ hơn mình ở trường đoạn tiếp theo.
Với cảnh đêm tình mùa xuân, tác giả đã dẫn dắt nhân vật Mị đi từ hồi sinh những giác quan bên ngoài cho đến khi phục sinh hoàn toàn về cảm xúc, nhận thức và khát vọng. Qua đây, ta thấy được vốn sống phong phú về cuộc sống và con người vùng cao của nhà văn, khả năng miêu tả thiên nhiên và phong tục rất tự nhiên và sinh động. Có người từng cho rằng “Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật là thước đo tài năng người nghệ sĩ.” Tô Hoài tỏ ra rất vững vàng trong việc đặc tả tâm lí nhân vật vừa chân thực, vừa sống động, vừa mang đậm nét tư duy của đồng bào miền núi khiến áng văn trở nên đặc sắc, đồng thời diễn biến tâm lí của nhân vật được nhìn nhận qua cả một quá trình. Chính điều đó đã khiến những trang viết của Tô Hoài khác biệt so với phần còn lại, ông xứng đáng trở thành một trong những cây bút tài hoa nhất trong văn học hiện đại Việt Nam.
Rõ ràng, “Vợ chồng A Phủ” là một thiên truyện đặc sắc, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, khơi gợi trong con người ý thức phản kháng và tinh thần chiến đấu giành giật lại quyền sống, quyền tự do, quyền làm người. Đặt trong bối cảnh thời bấy giờ, không khó hiểu khi thiên truyện có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành áng văn của thời đại, áng văn của ngàn đời.